Nuôi ăn sớm sau nội soi cắt đoạn dạ dày giúp bệnh nhân hồi phục nhanh

Một nghiên cứu của nhóm tác giả Khoa Ngoại bụng, Bệnh viện quân y 103 cho thấy, việc nuôi ăn sớm cho bệnh nhân sau phẫu thuật cắt đoạn dạ dày do ung thư là an toàn, khả thi, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh, giảm ngày điều trị tại viện.

Thông tin trên được báo cáo tại hội nghị khoa học điều dưỡng do BV quân y 103 tổ chức tháng 12/2015. Theo đó, nhóm nghiên cứu gồm: PGS.TS. Nguyễn Văn Xuyên, ThS. Hồ Chí Thanh, CN Trần Tuấn Anh (khoa Ngoại bụng, BV quân y 103) và BS. Trương Thị Thư (Học viện quân y).

Nghiên cứu tiến hành trên 90 bệnh nhân ung thư 1/3 dưới dạ dày được phẫu thuật cắt đoạn dạ dày nội soi, chia làm 2 nhóm: nuôi ăn sớm (qua ống thông dạ dày) và nuôi đường tĩnh mạch. Bệnh nhân nhóm nuôi ăn sớm có chế độ ăn sữa qua sonde dạ dày từ ngày đầu sau mổ đến khi có trung tiện. Kết quả sau mổ, tình trạng bụng, trung tiện, biến chứng giữa 2 nhóm không có sự khác biệt, thậm chí nhóm nuôi ăn sớm còn rút ngắn được số ngày nằm điều trị sau mổ so với nhóm nuôi đường tĩnh mạch, giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng sau mổ.

Được biết, ung thư dạ dày là bệnh lý ác tính hàng đầu trong ung thư đường tiêu hóa, điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật. Mỗi năm tại khoa Ngoại bụng BV quân y 103 có khoảng 300 bệnh nhân ung thư dạ dày được phẫu thuật, phần lớn bệnh ở giai đoạn tiến triển, cơ thể suy kiệt. Nuôi dưỡng có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh nói chung và điều trị ngoại khoa nói riêng vì bệnh nhân phải vượt qua cuộc phẫu thuật, mất máu, mất thể dịch. Có 2 đường nuôi dưỡng chính là nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch và qua đường ruột. Nhiều nghiên cứu cũng đã so sánh hiệu quả 2 phương pháp này và thấy rằng nuôi dưỡng qua đường ruột mang lại giá trị dinh dưỡng và hiệu quả tốt hơn đường tĩnh mạch. Tuy nhiên, quan điểm trước đây không cho bệnh nhân ăn qua đường tiêu hóa trong giai đoạn sau phẫu thuật, bệnh nhân phải nhịn ăn và nuôi dưỡng hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch cho đến khi có trung tiện. Việc này đòi hỏi một chi phí lớn cho điều trị do phải bù đủ đạm, nước, điện giải và đảm bảo đủ lượng calo cần thiết để nuôi dưỡng cơ thể. Hơn nữa một số bệnh nhân có thời gian trung tiện muộn, thời kỳ liền vết thương kéo dài nguy cơ suy dinh dưỡng càng tăng cao.

HH

Hơn 3,2 triệu trẻ suy dinh dưỡng

Tại buổi họp báo phát động tuần lễ "Dinh dưỡng và phát triển", do Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức ngày 8/10, theo số liệu giám sát dinh dưỡng (do Tổng cục Thống kê và Viện Dinh dưỡng công bố) thì tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em là 16,2% (thể nhẹ cân), 26,7% (thể thấp còi) và 6,7% (thể gầy còm).

Thống kê trên ước lượng tại Việt Nam hiện nay có khoảng 7,6 triệu trẻ dưới 5 tuổi thì số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân hiện có hơn 1,2 triệu trẻ và suy dinh dưỡng thấp còi vào khoảng trên 2 triệu trẻ.

Theo các bác sĩ, những năm gần đây, tốc độ giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi đã chậm lại so với những năm trước đây ở tất cả các địa phương. Tuy nhiên, hiện nay trên toàn quốc vẫn còn 17 tỉnh/thành phố có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở mức cao, trên 20%; 21 tỉnh/thành phố có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi trên 30% (mức cao), trong đó đáng lưu ý nhất là tỉnh Kon Tum có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở mức trên 40% - mức rất cao. Bên cạnh vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em, thì tình trạng trẻ thừa cân béo phì những năm gần đây tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt trong 10 năm (từ 2000 - 2010), tỉ lệ trẻ béo phì tăng 9 lần.  Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chiều cao và thể chất con người phụ thuộc 20% vào di truyền và 80% vào dinh dưỡng, môi trường sống và rèn luyện thể thao. Vì vậy, một chế độ ăn với liều lượng dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất.

Hơn 3,2 triệu trẻ suy dinh dưỡng 1 Tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con nhỏ tại phòng khám - tư vấn dinh dưỡng xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy- Thanh Hóa). Ảnh: Thu Vui

Tuần lễ dinh dưỡng năm nay do Bộ Y tế phát động với chủ đề "Đảm bảo an ninh dinh dưỡng và an toàn thực phẩm để mọi người khỏe mạnh" sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 23/10.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để đưa kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và kiến thức về dinh dưỡng hợp lý tới mọi gia đình, đặc biệt là các gia đình ở những vùng khó khăn, vùng hay có thiên tai xảy ra. Đặc biệt, trong thời điểm phát động sẽ tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng đa dạng các thực phẩm giàu dinh dưỡng, an toàn để đảm bảo sức khỏe, đặc biệt là đối tượng bà mẹ và trẻ em. Bên cạnh đó, các chuyên gia về dinh dưỡng hướng dẫn cho người dân biết cách chế biến và thực hành vệ sinh đúng để đảm bảo thức ăn không trở thành nguồn lây bệnh, không bị hao hụt chất dinh dưỡng.Trong thời gian này, sở y tế các địa phương phối hợp với các viện dinh dưỡng, vệ sinh dịch tễ, ngành nông nghiệp để đưa kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và kiến thức về dinh dưỡng hợp lý tới mọi gia đình.

Thùy Minh

“Khôn ăn cái, dại ăn nước”

Ông bà ta thường có câu: “Khôn ăn cái, dại ăn nước”. Thế nhưng còn rất nhiều người quan niệm rằng, khi ninh thịt, ninh xương các chất bổ béo đã ra hết vào nước, nên chỉ cho con ăn nước vừa dễ ăn, dễ tiêu hóa lại vừa bổ...

Hàng ngày tại trung tâm khám của Viện Dinh dưỡng, các bác sĩ gặp nhiều bà mẹ phàn nàn: “Bác ơi, em cho cháu ăn chẳng thiếu thứ gì, mất bao nhiêu công ninh nấu, mà sao cháu chẳng lên cân, da cứ xanh nhợt mà chẳng biết đi, biết đứng gì cả”. Khi được hỏi về cách chế biến thức ăn cho trẻ thì hầu hết các bà mẹ này đều chỉ ninh lấy nước thịt, nước xương nấu bột nấu cháo cho trẻ, lý do là vì sợ cháu không ăn được, sợ cháu bị hóc thức ăn, một số cháu cứ lợn cợn tý thịt là nôn.

“Khôn ăn cái, dại ăn nước” 1

Có những bà mẹ khi được bác sĩ cho biết là cháu bị còi xương thì nói luôn: “Ngày nào em cũng ninh nửa cân xương ống, hai đôi chân gà để nấu bột cho cháu ăn mà sao vẫn bị còi xương hở bác?”. Bác sĩ giải thích: “Khi ninh thịt và xương chỉ có rất ít các acid amin hòa tan trong nước tạo vị ngọt, thơm, còn lại phần lớn chất đạm vẫn còn lại ở bã thịt, nếu cháu chỉ ăn nước thịt sẽ bị thiếu chất đạm dẫn đến suy dinh dưỡng còi cọc và thiếu máu. Còn ninh xương thì canxi hòa tan trong nước rất ít, cháu bị thiếu canxi nên bị còi xương”. Lúc này bà mẹ mới ồ lên: “Thế mà mà em cứ tưởng nước mới là chất bổ, em ninh kỹ thế cơ mà”.

Cũng có những ông bố tâm sự: “Vợ em bận việc suốt ngày, mọi việc chăm sóc cháu đều khoán cho người giúp việc, mỗi ngày ninh 2 - 3 lạng thịt thăn để nấu bột cho cháu, phần bã còn lại chị giúp việc tiếc của nên ăn, thế mà cháu bé thì cứ gầy còm xanh xao, còn chị giúp việc cứ béo tròn, da dẻ hồng hào, bây giờ nghe bác giải thích em mới hiểu phần bã thịt nhạt nhẽo ấy lại còn nhiều chất bổ đến vậy”. Nghe những câu chuyện trên, chắc các bà mẹ cũng đã hiểu nên cho con ăn cái hay ăn nước.

Nhiều bà mẹ cho rằng nước hầm có nhiều chất bổ, giúp trẻ dễ tiêu hóa và cứng xương. Thực ra, trong nước thịt, nước xương ninh hầm có nhiều nitơ, tuy tạo được hương vị thơm ngon, kích thích sự thèm ăn nhưng lại có rất ít đạm và canxi. Còn nước luộc rau, chỉ có một ít vitamin hòa tan trong nước (vitamin C, vitamin B1) với lượng không đáng kể. Hơn nữa chỉ cho ăn nước rau sẽ thiếu chất xơ dẫn đến trẻ bị táo bón cũng không hấp thu được thức ăn cũng dẫn đến suy dinh dưỡng. Trong những năm đầu đời, cân nặng và chiều cao của trẻ phát triển rất nhanh. Do vậy, nhu cầu dinh dưỡng tính theo cân nặng của trẻ cao hơn hẳn người lớn. Nếu chỉ luộc hoặc ninh thức ăn rồi lấy nước nấu bột, trẻ sẽ không có đủ dinh dưỡng. Nên cho trẻ ăn cả phần cái bằng cách nghiền, xay hoặc băm nhỏ. Tất cả các thành phần dinh dưỡng như chất đạm, chất béo, canxi, phốt pho, sắt, kẽm... (giúp tạo dựng nên cấu trúc tế bào của các tổ chức và tham gia vào nhiều hoạt động chức năng cơ thể) đều nằm trong phần cái của thức ăn.

Trên thực tế, cũng có bà mẹ biết rằng ăn cả cái thì tốt hơn nhưng cứ cho ăn là trẻ lại nôn nên phải ăn nước. Vậy phải làm thế nào cho trẻ ăn được cái? Điều quan trọng là ngay từ bữa ăn dặm đầu tiên, bà mẹ đã phải cho con ăn cả cái, chỉ có điều tập ăn ít một, lúc đầu xay băm nhuyễn, sau đó tăng dần độ thô của thức ăn lên, những miếng ăn đầu tiên cháu có thể ậm ọe muốn nôn, nhưng nếu kiên trì tập trẻ sẽ quen và không nôn nữa. Khi trẻ bắt đầu có răng, nhất là có răng hàm (từ trên 1 tuổi) thì không dùng máy xay sinh tố nữa mà phải cho ăn thô: chỉ băm thức ăn, thái rau, ăn cháo hạt hoặc cơm nát, mì, bún phở để cho trẻ tập nhai, khi nhai thức ăn kích thích tuyến nước bọt tiết men tiêu hóa giúp trẻ ăn ngon miệng và tiêu hóa tốt, động tác nhai cũng giúp xương hàm phát triển, sau này bé không bị mọc răng lệch do cung hàm hẹp, cho ăn thô sớm cũng phòng ngừa được chứng biếng ăn ở trẻ. Như vậy, câu nói của ông bà ta “khôn ăn cái, dại ăn nước” quả là không sai!

ThS.BS. LÊ THỊ HẢI


Khẩu phần ăn hợp lý cho trẻ

Hiện nay, tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu hụt dưỡng chất ở trẻ vẫn còn rất cao. Ngay cả đối với những gia đình có điều kiện chăm sóc bé tốt thì tình trạng này vẫn xảy ra. Vậy nguyên nhân do đâu?

Bữa ăn sáng của trẻ

Cũng giống như người lớn, trẻ luôn cần được ăn sáng đầy đủ. Một bữa sáng đủ chất không những cung cấp cho bé nguồn năng lượng sau một giấc ngủ đêm dài, mà còn giúp bé trở nên nhanh nhẹn, linh hoạt hơn trong học tập cũng như trong mọi hoạt động khác.

Khẩu phần ăn hợp lý cho trẻ 1

Trẻ nhỏ cần được cung cấp một chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý. Ảnh: TL

Tuy nhiên, hiện nay nhiều người thường thức dậy muộn và chỉ cho con ăn sáng bằng cách uống sữa, ăn bánh ngọt… Cứ như vậy trong thời gian dài sẽ tạo ra sự thiếu hụt dưỡng chất ở trẻ.

Một bữa sáng đủ dinh dưỡng phải đủ 4 nhóm chất gồm: chất đạm (protein), giúp bộ não hoạt động tốt; một ít chất béo (lipid) và chất bột đường (carbonhydrate) để tinh thần và thể chất năng động hơn; một ít rau xanh hay hoa quả tươi để bổ sung thêm vitamin và chất xơ.

Bữa ăn học đường

Nhiều nghiên cứu cho thấy, bữa ăn học đường là yếu tố quan trọng tác động đến tốc độ tăng trưởng cũng như khả năng học tập, sáng tạo của trẻ. Ở các thành phố lớn của nước ta hiện nay, học sinh thường ăn tại trường (bữa ăn trưa và bữa quà chiều). Mỗi bé lại có thói quen ăn uống khác nhau. Do vậy, sẽ rất dễ xảy ra tình trạng bé bỏ bữa, lười ăn hoặc ăn không ngon miệng khi ăn tại trường. Nếu tình trạng này kéo dài thì cân nặng và sự phát triển của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Khẩu phần ăn hằng ngày

Không chỉ đối với người lớn mà trẻ nhỏ cũng rất cần được cung cấp một chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý với 4 nhóm thực phẩm chính.

- Nhóm chất bột đường (bột, cháo, cơm…) là nguồn cung cấp năng lượng chính trong khẩu phần hằng ngày của bé.

- Chất đạm (thịt, cá, đậu...) với chức năng chính là tạo hình như giúp cơ thể bé xây dựng cơ bắp, tạo kháng thể, đặc biệt là phát triển tế bào não và cung cấp một phần nhỏ năng lượng (14 - 15%).

- Chất béo vừa cung cấp năng lượng, tăng khả năng ngon miệng lại giúp trẻ hấp thu tốt các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K. Vitamin K có nhiều trong cải bó xôi, cải xoăn, củ cải tươi, cải bẹ xanh, súp lơ…; Vitamin E có nhiều trong các loại củ quả có màu đỏ như cà chua, cà rốt, các loại hạt, củ như lạc, đỗ; dầu thực vật… Vitamin A có trong trứng, sữa, tôm, cá, gan các loài động vật. Các loại rau quả có màu đậm (như rau ngót, rau muống, rau dền, rau đay, rau khoai loang, cần ta, gấc, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài, củ khoai lang nghệ...) có nhiều caroten, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A.

- Vitamin và khoáng chất đóng vai trò rất quan trọng với việc phát triển, tăng trưởng, điều hoà các chuyển hoá trong cơ thể của trẻ cũng như tăng cường sức đề kháng phòng, chống bệnh tật. Việc thiếu hụt một trong các chất này sẽ dẫn tới tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng không tốt đến sự tăng trưởng và phát triển của bé cả về thể lực và trí tuệ.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ cũng là điều mà các bậc phụ huynh nên lưu ý. Cần lựa chọn chế biến cho trẻ những loại thực phẩm tươi ngon, giàu chất dinh dưỡng và có hạn sử dụng rõ ràng (với những loại thức ăn đóng hộp).

Bác sĩ Hoàng Văn Phong

Suy dinh dưỡng thể phù ở trẻ

(suckhoedoisong.vn) - Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể thiếu protein năng lượng và các vi chất dinh dưỡng. Bệnh biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng ít nhiều đều có ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần và vận động của trẻ. Trong đó suy dinh dưỡng thể phù là một biểu hiện bệnh mà cha mẹ cần lưu ý.

Biểu hiện của suy dinh dưỡng thể phù

Khi mắc chứng suy dinh dưỡng thể phù, mặt bệnh nhân tròn trịa nhưng chân tay khẳng khiu, trương lực cơ yếu, rối loạn sắc tố da, thiếu máu, gan to và thoái hóa mỡ, phù, giảm đạm máu.

Đầu tiên là những dấu hiệu phù mặt, mí mắt, chân tay… rồi dần tiến đến phù thũng toàn thân, tràn dịch màng bụng, màng tinh hoàn… Ngoài ra, tùy mức độ, thời gian và thời điểm xảy ra suy dinh dưỡng thể phù mà mắt, xương, gan, tim, ruột, tụy, não, răng, tóc… đều có thể bị ảnh hưởng.

Ban đầu bệnh không có nhiều biểu hiện trầm trọng nhưng nguy hiểm do điều trị khó và tỷ lệ tử vong cao.

Suy dinh dưỡng thể phù ở trẻ 1 Chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn các bà mẹ cách nấu bột cho trẻ mới ăn dặm. Ảnh: MT

Nguyên nhân gây bệnh

Do hoàn cảnh gia đình, một số phụ huynh không có điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ hoặc sợ chảy xệ ngực khi cho bé bú nên chỉ sử dụng sữa công thức, nước cháo pha sữa, bột dinh dưỡng… hoặc để bé kiêng khem quá mức khi mắc bệnh.

Có thể là nguyên nhân bệnh lý: Do trẻ mắc phải những chứng bệnh di truyền hoặc nhiễm khuẩn sơ sinh kết hợp với chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý: khẩu phần ăn của bé thường không được cung cấp đủ chất đạm nhưng vẫn nhận đủ hoặc gần đủ năng lượng từ chất bột đường hay chất béo, sử dụng những loại sữa không phù hợp với thể trạng của bé.

Phòng suy dinh dưỡng thể phù

Để phòng suy dinh dưỡng thể phù ở trẻ, cần chăm sóc trẻ từ trong bụng mẹ. Trong thời gian mang thai người mẹ cần ăn uống bồi dưỡng hơn bình thường đồng thời theo dõi tăng cân từng quý; khám thai định kỳ ít nhất 3 lần.

Khi bé chào đời: Nuôi con bằng sữa mẹ  là cách tốt nhất để phòng ngừa suy dinh dưỡng nói chung và suy dinh dưỡng thể phù ở trẻ nhỏ nói riêng. Trẻ cần được bú mẹ cho đến 2 tuổi.

Cho bé ăn bột khi đã đủ tuổi ăn dặm sau 6 tháng tuổi, không nên cho trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi dùng sữa bột nguyên kem vì loại sữa này dù nhiều protein nhưng dễ gây tổn thương niêm mạc ruột.

Chế độ ăn dặm phải cân đối với đủ 4 nhóm thức ăn: tinh bột, chất béo, chất đạm và rau quả tươi.

Trong trường hợp mẹ không có sữa hoặc ít sữa thì cho trẻ ăn thêm sữa bò hoặc sữa đậu nành, tuyệt đối không dùng nước cháo đơn thuần để nuôi trẻ.

Theo dõi cân nặng cho bé bằng cách mỗi tháng cân trẻ một lần, trẻ từ 2 - 5 tuổi thì 2 - 3 tháng cân một lần, để ý những dấu hiệu trên cơ thể bé, đặc biệt là khi bé tăng cân một cách bất thường.

Khám sức khỏe định kỳ và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để cân đối lại chế độ ăn hợp lý

cho bé. 

  Bác sĩ Minh Ngọc

Chăm sóc và giáo dục sớm – Chìa khóa vàng giúp con vượt trội

BS. Đặng Thu Hiền (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, ước tính hiện nay ở nước ta có khoảng 7,6 triệu trẻ dưới 5 tuổi thì số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân hiện có hơn 1,2 triệu trẻ và suy dinh dưỡng thấp còi vào khoảng trên 2 triệu trẻ.

Chăm sóc và giáo dục sớm – Chìa khóa vàng giúp con vượt trội 1

Hiện nay, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế, nhu cầu về thế hệ kế cận có đủ sức khỏe, trí tuệ và các phẩm chất của công dân toàn cầu đang đặt ra cấp thiết nhằm mục đích đưa Việt Nam sánh vai được với các cường quốc trên thế giới. Do đó đã có nhiều chương trình, phương pháp hướng tới việc nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động tích cực trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ nhằm hướng tới việc nuôi dạy trẻ một cách toàn diện từ trong gia đình.

Nhằm chia sẻ những kiến thức, phương pháp về chăm sóc và giáo dục sớm dành cho lứa tuổi 6 tháng – 72 tháng, bồi đắp thế hệ kế cận có đủ sức khỏe, phẩm chất để xây dựng đất nước, ngày 17/11, báo Người Tiêu Dùng phối hợp với nhãn hàng pho ma hoa quả Le Petit Plaisir tổ chức hội thảo “Chăm sóc và giáo dục sớm – Chìa khóa vàng giúp con vượt trội”. Trên 200 phụ huynh gồm các ông bà, cha mẹ đã tham gia một cách tích cực cho tới những phút cuối cùng của hội thảo

Với vấn đề dinh dưỡng, BSCKI. Đặng Thu Hiền khẳng định: “Ở giai đoạn đầu của trẻ từ  (0 đến dưới 6 tuổi) là giai đoạn tăng trưởng mạnh và hoàn thiện cơ quan tổ chức với tốc độ nhanh chóng, đặc biệt là hệ thống thần kinh trương ương và hệ xương. Các nghiên cứu đã chỉ ra trong quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ, yếu tố di truyền chỉ chiếm 20%,  nhưng dinh dưỡng chiếm tới 32% và là yếu tố dễ tác động, còn lại là môi trường, phương pháp giáo dục, giấc ngủ”. Do đó, ông bà cha mẹ nên bổ sung sữa và các sản phẩm từ sữa hàng ngày cho trẻ, đồng thời dử dụng hợp lý các nhóm thực phẩm (hhóm chất bột, nhóm chất đạm, nhóm vitamin và khoáng chất) và phối hợp nguồn đạm, dầu có nguồn gốc thực vật và động vật trong chế đội ăn của trẻ.

Liên quan đến cách giáo dục con trong gia đình, giảng viên Bùi Thị Minh Tú, Giảng viên Phương pháp giáo dục sớm Glenn Doman đã chia sẻ sự thật làm cha mẹ: Con cái sinh ra để ông bà, cha mẹ có cơ hội học hỏi mọi thứ, trong đó có tình yêu thương không điều kiện, tức là chấp nhận một sự thật rằng cong cái là “người thầy”, và ông bà cha mẹ là người dẫn đường, định hướng, biết tôn trọng và lắng nghe những quyết định của con. Và để mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ và con cháu trong gia đình được bền vững, ấm áp, ông bà cha mẹ hãy học cách làm bạn với con, hãy cùng đạt đến những phẩm chất của 1 người bạn: biết lắng nghe, biết chia sẻ, biết cảm thông, biết tôn trọng, bình đẳng, và luôn tạo sự vui vẻ, niềm tin tường cho những người bạn nhỏ - chính là con cháu. Đặc biệt, đối với con từ 3 tuổi trở lên, ông bà cha mẹ nên nói chuyện một cách lịch sự, chân thành với con cái, tránh nói với nhau mà không nói với con và nói về con mà không nói với con. 

Đồng thời, ông bà, cha mẹ hãy cho con được sống chan hoà với những người bạn lớn của con là thiên nhiên, động vật, âm nhạc và hội họa, để con vượt qua những nỗi sợ hãi, sống tự tin, học được cách yêu thương, chăm sóc, và phát triển được tư duy sáng tạo.

PV

Ăn uống thế nào để giảm cholesterol?

Tôi năm nay 50 tuổi, nghe nói tuổi này rất dễ mắc các bệnh tim mạch nên tôi đi khám, kết quả cho thấy tôi bị tăng cholesterol. Mọi người khuyên tôi cần có một chế độ ăn uống hợp lý... Vậy xin quý báo tư vấn giúp.

Nguyễn Vân Trang (Thái Nguyên)

Tăng cholesterol được coi như yếu tố nguy cơ với bệnh tim, khi mức cholesterol và triglycerid (một loại chất béo khác) tăng quá cao trong máu, nguy cơ bị các mảng chất béo có chứa cholesterol trong máu tăng lên.

Muốn cải thiện nồng độ cholesterol máu làm giảm nguy cơ bệnh tim thì thay đổi lối sống là bước đầu tiên. Các bước này bao gồm luyện tập, không hút thuốc lá... và ăn chế độ ăn có lợi như: Cần ăn các thực phẩm giàu chất xơ hòa tan giúp giảm nồng độ cholesterol toàn phần trong máu bao gồm cám yến mạch, đậu đỗ, cám gạo, lúa mạch, cam quýt, dâu tây và cùi quả táo, đậu Hà Lan, bông cải xanh, đu đủ... Nên ăn nhiều cá, ăn protein đậu nành làm giảm nồng độ cholesterol toàn phần, cholesterol LDL, triglycerid và tăng nồng độ cholesterol HDL.

Ngoài ra, kiểm soát chất béo toàn phần, hạn chế tất cả các loại chất béo, cần tránh nguồn thực phẩm cô đặc như nội tạng, lòng đỏ trứng và sữa nguyên kem. Không nên uống rượu, nếu uống nên hạn chế (khoảng 1 ly/ngày đối với nữ hoặc không quá 2 ly/ngày đối với nam). Giảm ăn đường, các loại đồ ăn nhanh và các món rán, xào...

BS. Nguyễn Văn Hùng